Tuesday, May 17, 2011

Phần mở đầu – dẫn nhập


Trước khi đi vào phần chính của cuốn sách là giải nghĩa nội dung thật sự của tranh Đông Hồ tôi xin nói đôi chút về nhan đề của cuốn sách. Tại sao lại gọi là: Tranh Đông Hồ - Tấm bản đồ tìm về nguồn cội.? Bản đồ tức là phải chứa đựng thông tin chỉ dẫn để giúp ta tìm ra đường đi hướng đến đúng nơi cần đến, để ta không bị lạc lối. Vậy thì những thông tin đó ở đâu? Xin trả lời là những chỉ dẫn đó nằm ngay trên từng đường nét từng chi tiết của mỗi bức tranh, nó được thể hiện một cách khéo léo đầy ẩn ý hòa vào tổng thể chung mà không mất đi yếu tố tự nhiên của bức tranh.

Còn nguồn cội ở đây chính là sự khởi nguồn, sự bắt đầu của tất cả, gốc rễ của mọi vấn đề. Đó chính là những tri thức về sự khởi nguồn của vũ trụ, về nguồn gốc của sự sống được ghi lại dưới dạng hình ảnh là những bức tranh. Một sản phẩm chứa đựng tinh hoa tri thức của một nền văn minh đã thấu hiểu quy luật của cả vũ trụ. Chà, nói như vậy có quá không nhỉ? Xin thưa là không hề quá chút nào.

Thoạt nhìn vào những bức tranh này bạn sẽ nghĩ nó chỉ là những bức tranh bình thường tả cảnh sinh hoạt bình dị của cư dân nông nghiệp thời xưa. Nhưng hãy sử dụng trí tưởng tượng của mình, tập trung vào những chi tiết bất thường nhất, rồi suy luân, xâu chuỗi các chi tiết đó lại với nhau bạn sẽ khám phá ra một bí mật. Đó là cả một thông điệp từ quá khưa xa xưa vọng về nói cho ta biết những tri thức kì vĩ của ông cha ta mà đã bị bao biến cố thăng trầm của lịch sử che lấp.

Có lẽ chính vì chứa đựng những giá trị to lớn đó mà tranh Đông Hồ có một sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân và được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Xin lưu ý là lịch sử hình thành và phát triển của tranh Đông Hồ vẫn còn là một điều bí ẩn. Chưa ai biết được tác giả và thời điểm ra đời của dòng tranh này. Chỉ biết là tranh Đông Hồ cùng với hình ảnh bánh chưng xanh là những thứ không thể thiếu mỗi độ Tết đến xuân về, tục treo tranh ngày Tết đã trở thành một phong tục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt.

Cuốn sách này được trình bầy theo trình tự từ những khám phá đầu tiên đến những khám phá sau cùng của tác giả. Những cái ban đầu sẽ là cơ sở cho những lập luận và những khám phá sau này. Với cách trình bầy như vậy sẽ giúp độc giả dễ nắm bắt cũng như hiểu được cách thức lập luận và suy diễn để tìm ra lời giải. Vấn đề sẽ dần dần được sáng tỏ một cách tự nhiên.

Trong sách có sử dụng nhiều những thuật ngữ khó hiểu và trừu tượng, liên quan đến Dịch học vì thế mà tác giả sẽ cố gắng diễn giải một cách chi tiết đồng thời sử dụng nhiều hình ảnh minh họa. Cách tiếp cận vấn đề chủ yếu dựa trên hình ảnh, cắt nghĩa bằng hình ảnh và sử dụng tối đa kỹ thuật đồ họa để tăng tính trực quan.

Do không đủ phương tiện kỹ thuật và khó khăn trong việc tìm mua tranh Đông Hồ gốc nên hầu hết các bức ảnh trong sách đều được chụp lại từ các nguồn sách báo tranh ảnh bằng máy ảnh kỹ thuật số. Vì thế mà màu sắc và chất lượng hình ảnh không được trung thực. Điều này tác giả sẽ cố gắng khắc phục bằng cách chỉnh sửa lại trên photoshop, tuy nhiên vẫn đảm bảo tính chính xác về bố cục và nội dung của bức tranh.

Lần đầu tiên viết sách chưa có nhiều kinh nghiệm, lại đi vào một vấn đề hóc búa là Dịch học nên chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, lời lẽ và câu cú chưa được chỉnh chu. Rất mong những độc giả khó tinh bỏ quá cho, hãy cùng đặt mục tiêu chia sẻ kiến thức lên trên hết để cùng tìm lại những tinh hoa văn hóa đích thực của dân tộc mà đã bị rất nhiều những lớp bụi thời gian cũng như những biến cố thăng trầm của lịch sử vùi lấp. Xin chân thành cảm ơn!

Mục Đồng

NGUYỄN NAM ANH

No comments: